Chuyển từ trồng keo sang cây trái
Sau khi lập gia đình, ông Nguyễn Thanh Trung (thôn Ngọc Tú, xã Tam Dân) cùng vợ bám trụ quê hương với hy vọng một ngày nào đó đất sẽ không phụ lòng người. Từ hơn 1ha đất trồng lúa kém hiệu quả, vợ chồng ông Trung đã chuyển sang trồng keo lá tràm nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2019, ông tìm tòi thông tin liên quan đến phát triển kinh tế nông hộ và thử nghiệm ngay tại vườn nhà.
“Bước đầu thực hiện gặp nhiều trở ngại nên có lúc vợ chồng tôi nản chí. May mắn được những người đi trước chỉ thêm kinh nghiệm trong cải tạo cây tạp, quy hoạch khu đất cho từng loại cây, tiếp thêm động lực để tôi theo đuổi mô hình này” - ông Trung kể.
Đầu tiên vợ chồng ông Trung trồng chuối, ổi để lấy ngắn nuôi dài và khi đã có nguồn thu nhập thì trồng thêm măng cụt, sầu riêng. Sau 3 năm cần mẫn, vườn đã có 500 cây ổi lê Đài Loan, 400 cây chuối, gần 200 cây sầu riêng và măng cụt đang phát triển rất tốt.
Ở những khu đất tơi xốp và xung quanh nhà, ông còn xen canh các loại rau màu khác như đậu đỏ, cải xanh, rau ngót, mồng tơi, rau dền, tía tô... Hiện nay, sau khi trừ các chi phí, mỗi năm mảnh vườn cho thu nhập hơn 200 triệu đồng.
“Thời gian tới sẽ được hỗ trợ thêm từ Nghị quyết 35 của HĐND tỉnh về phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại nên chúng tôi sẽ trồng thêm sầu riêng, măng cụt, mít Thái ruột đỏ, mãng cầu... để đa dạng sản phẩm cũng như tìm tòi hướng đi mới hiệu quả hơn” - ông Trung nói.
Tương tự, ông Nguyễn Ý Chí (khối phố Thạnh Đức, thị trấn Phú Thịnh) đã từng chọn cây keo lá tràm và cây tiêu là cây chủ lực cho mảnh vườn rộng hơn 1.000m2 của mình từ năm 2010. Nhưng cây keo hiệu quả bấp bênh, làm thoái hóa đất nhanh nên ông đã chuyển đổi cây trồng.
“Làm cây keo lá tràm được 9 năm, hiệu quả không cao nên tôi quyết định trồng cây ăn quả. Tôi cải tạo lại đất, trồng 200 gốc mít, xoài, vú sữa. Thấy hướng đi từ cây ăn quả phù hợp với đất này nên tôi trồng thêm măng cụt và lòn bon. Vừa rồi, UBND thị trấn Phú Thịnh hỗ trợ đóng giếng khoan, hệ thống tưới, tạo điều kiện để tôi mở rộng quy mô vườn” - ông Chí cho biết.
Trợ lực từ Nghị quyết 35
Theo ông Nguyễn Công Lý - cán bộ phụ trách nông nghiệp UBND thị trấn Phú Thịnh, Nghị quyết 35 của HĐND tỉnh tạo động lực cho nhiều nông dân thêm vững vàng vào quyết định chọn nông nghiệp làm hướng đi bền vững.
“Bây giờ nhiều hộ nông dân đã tính đến làm vườn quy mô lớn nhưng bài toán nước tưới mùa khô vẫn khá nan giải. Vì vậy, được hỗ trợ khoan giếng, hệ thống tưới… chính là trợ lực kịp thời cho người làm vườn. Thị trấn đã nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ 6 hộ với số tiền 30 triệu đồng/hộ để xây dựng hệ thống tưới tiêu” - ông Lý thông tin.
Toàn huyện Phú Ninh hiện có 100 vườn, trang trại được các địa phương đề xuất hỗ trợ theo Nghị quyết 35 với tổng kinh phí gần 5,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, kinh phí UBND tỉnh phân bổ năm 2022 là 2,5 tỷ đồng nên trong thực tế đề nghị đã vượt nguồn phân bổ hơn 2,7 tỷ đồng.
Và ở Phú Ninh cũng chưa có tổ chức, cá nhân nào đảm bảo các điều kiện về hồ sơ thiết kế và việc thiết kế giếng khoan khai thác nước dưới đất, thi công giếng khoan phải do tổ chức, cá nhân có giấy phép hành nghề thực hiện.
“Ngoài ra, việc lập thiết kế xây dựng trang trại đòi hỏi chủ trang trại phải thuê đơn vị tư vấn có chức năng hành nghề thiết kế xây dựng để lập hồ sơ thiết kế xây dựng trang trại và thực hiện một số thủ tục có liên quan đến môi trường, thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy theo quy định cũng gây khó cho nông dân.
Qua kiểm tra, rà soát, rất nhiều trường hợp chưa có hồ sơ đảm bảo theo yêu cầu. Nếu tỉnh có văn bản hướng dẫn giải quyết các vướng mắc này thì thực sự Nghị quyết 35 sẽ là trợ lực rất lớn cho người làm vườn.” - ông Trịnh Ngọc An - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phú Ninh nói.
Tác giả: admin
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn